07/04/2015 10:56        

Chuyện giữa đất và điện, bao giờ có hồi kết?

Khổ vì không rõ ràng!


Giai đoạn 2009-2011, PC Quảng Nam được UBND tỉnh và Tổng công ty Điện lực miền Trung giao thực hiện đề án tiếp nhận bán lẻ điện đến hộ dân nông thôn. Hơn 1.925 km lưới điện hạ áp, 156 nghìn công tơ đã được giao-nhận. Sau tiếp nhận, ngành Điện đã đầu tư gần 700 tỷ đồng bằng nguồn vốn sửa chữa thường xuyên, vốn vay từ các dự án ADB, KFW, ADB mở rộng và DEP để sửa chữa, nâng cấp lưới điện nông thôn, đảm bảo an toàn và nâng cao chất lượng cấp điện cho hàng trăm nghìn hộ dân. Trong khi người dân được hưởng những tiện ích cao hơn về điện thì chính quyền địa phương và PC Quảng Nam phải “chạy theo” giải quyết đơn thư khiếu nại phát sinh từ quyền sở hữu đất đai xảy ra ở một số địa phương.

Theo quy định, mọi công trình lưới điện đều phải được bố trí đất xây dựng. Tuy nhiên, với nhiều công trình lưới điện trung, hạ áp nông thôn do địa phương xây dựng từ mấy chục năm trước thì lại ít được chú trọng tính pháp lý về đất đai. Bởi thế, mới có công trình xây dựng rồi mới xin cấp đất; có công trình người dân hiến đất không nhận đền bù, được chủ đầu tư cam kết miễn, giảm tiền điện; thậm chí có công trình đã có quyết định cấp đất nhưng không ghi rõ địa giới, không thu hồi đất từ chủ sở hữu trước.

Đó là chuyện “cũ mềm” diễn ra từ hồi một số xã và các hợp tác xã còn kinh doanh điện năng. Qua mấy chục năm như thế lưới điện đã có đất để “yên vị”, tuyệt nhiên không có kiện tụng, tranh cãi về đất đai. Vậy nhưng từ khi ngành Điện tiếp nhận bán lẻ đến hộ, quyền sở hữu lưới điện thuộc về PC Quảng Nam thì đơn đòi đất, đòi di dời công trình lại rộ lên như là một tâm lý lây lan. Người nào cũng dẫn chứng đất có bìa đỏ, chưa được đền bù, muốn làm nhà mà vướng lưới điện, hoặc hợp tác xã không thu tiền điện mà sau tiếp nhận tại sao ngành Điện lại thu.
Nếu xem xét kỹ thì người dân có lý mà ngành Điện cũng không sai! Người dân có lý vì họ là chủ đất. Ngành Điện có lý vì bởi làm đúng chủ trương, tiếp nhận lưới điện có đầy đủ hồ sơ pháp lý. Tuy nhiên, để kịp tiến độ giao nhận thì cấp trên cũng cho phép PC Quảng Nam tạm thời tiếp nhận lưới điện chưa đủ hồ sơ, địa phương và chủ tài sản phải có trách nhiệm bổ sung sau. Cam kết rõ ràng như thế, nhưng sau khi kết thúc công việc, PC Quảng Nam phải tự loay hoay đi tìm tính chất pháp lý cho đất công trình điện, và trở thành “nạn nhân” vừa là “bên bị” của các vụ khiếu kiện.

Các bên cùng chịu thiệt!


Sự cố lây lan tâm lý đòi giải quyết chuyện đất đai tuy không nhiều nhưng một số vụ việc dai dẳng, gây mất thời gian, tốn kém tiền của và công sức. Theo quan sát của chúng tôi, dù các vụ việc đều được giải quyết, nhưng tất cả các bên đều bị thiệt hại, ngành Điện mất thời gian, kéo dài thi công công trình làm phát sinh chi phí và mất sản lượng, trong khi chính quyền địa phương và hàng nghìn hộ dân phải chịu cảnh mất điện, yếu điện kéo dài, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt và an toàn điện không đảm bảo.

Một số vụ việc điển hình như đường dây 35kV Quế Sơn-Nam Phước đi ngang qua vườn nhà ông Phùng Đ. và bà Phùng Thị B. (thôn Dưỡng Mông Tây, Quế Xuân 1, Quế Sơn) từ mấy chục năm nay. PC Quảng Nam lập kế hoạch thay dây chuyển thành lưới 22kV, nhưng đến nhà ông Đ. Bà B. thì bị “tắt”. Lãnh đạo huyện, xã cùng PC Quảng Nam vào cuộc rất mạnh mẽ, nhưng các giải pháp đưa ra đều bị ông Đ. từ chối phối hợp. Sự việc kéo dài hơn 6 tháng, cuối cùng PC Quảng Nam phải thực hiện phương án nâng cao 3 khoảng trụ, chính quyền địa phương tích cực vận động, cam kết hỗ trợ thì công trình mới được tiếp tục xây dựng.

Vụ Ông Đỗ T. (xã Điện Tiến, Điện Bàn) cũng như vụ của bà Lê Thị M. (xã Duy Tân, Duy Xuyên) khởi kiện yêu cầu di dời đường dây, trạm biến áp ra khỏi đất vườn nhà. Vụ việc được Toà án nhân dân tỉnh Quảng Nam xét xử phúc thẩm bác đơn yêu cầu. Một vụ khác mới xảy ra từ đầu năm 2015, hàng trăm hộ dân ở thôn Đại Bình (xã Quế Trung, Nông Sơn) bị mất điện hơn 1 tuần do quá trình thi công nâng cấp trạm biến áp công suất 160kVA bị trục trặc. Nguyên nhân là do chủ hộ tên N. (nơi đặt trạm biến áp) không cho vào vườn nhà để thi công, vì gia đình cho rằng hồi hợp tác xã xây dựng công trình chưa giải quyết đền bù thỏa đáng. Mọi nỗ lực đều bị chủ nhà khước từ, kể cả khi UBND xã và UBND huyện tổ chức họp khẩn vẫn không thuyết phục được, cho đến khi phải “xuống nước” thực hiện một số các yêu cầu của chủ nhà thì mới thay được TBA.

Ông Hồ Xuân Trâm, cán bộ pháp chế PC Quảng Nam cho biết, những năm gần đây trên địa bàn tỉnh đã xảy ra rất nhiều vụ việc khiếu kiện liên quan đến đất đai hành lang an toàn lưới điện, trong đó có 5 vụ khởi kiện ra tòa, dù phần lớn các vụ khiếu kiện đều giải quyết vấn đề “kẻ làm người chịu”, không thuộc trách nhiệm của PC Quảng Nam. Mặt khác khi ra tòa, dù nguyên đơn hay bị đơn thắng kiện thì việc kiện thưa ít nhiều cũng đã làm ảnh hưởng đến tình cảm và mối quan hệ gắn bó lâu đời giữa bên bán điện và một số khách hàng mua điện! Theo chúng tôi, việc này các cấp chính quyền địa phương cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa để tránh tạo ra “tiền lệ” xấu và tâm lý lây lan trong việc kiện tụng đòi đất gây khó khăn trong quản lý vận hành cung ứng điện, và như vậy câu chuyện giữa đất và điện sẽ khó tìm ra được tiếng nói chung!

Theo cpc.vn
 
Tình hình sản xuất
NMTĐ EAKRONG ROU
Ngày: 24/04/2024
Sản lượng (kWh)
Ngày 160 907
Tháng 4 668 180
Năm 26 906 054

Thông tin sản lượng ngày khác
Lượng mưa (mm)
Ngày 0
Tháng 0
Năm 14
Hình ảnh
Liên kết web